1. Cấp dưỡng là gì?
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu.
Đối với cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rằng cha, mẹ không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ, do đó không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không thì người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp khi ly hôn thì người không trực tiếp nuôi con bắt buộc phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Bố, mẹ chỉ có nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không đưa ra mức cấp dưỡng tối thiểu cũng như mức cấp dưỡng tối đa đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng, mà tạo điều kiện cho các bên tự thỏa thuận dựa vào điều kiện về thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Trong trường hợp các các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì có hai phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, đó là:
- Cấp dưỡng định kỳ: Theo phương thức này, các bên thỏa thuận về nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm hay hàng năm. Việc lựa chọn phương thức nào theo thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Cấp dưỡng một lần: Theo phương thức này, người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản trong một lần cho đối tượng được cấp dưỡng.
Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
3. Hậu quả pháp lý khi cha, mẹ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
Việc cha, mẹ là người có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng trốn tránh thực hiện cấp dưỡng cho con là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của của hành vi vi phạm mà có người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
- Về xử phạt hành chính: Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Theo Bộ luật hình sự 2015 thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trên đây là bài viết tư vấn của Công ty Luật TNHH Nhung & Cộng sự về các vấn đề pháp lý liên quan đến cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn. Nếu còn bất cứ băn khoăn hay thắc mắc nào khác liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn về vấn đề của bạn.
Thông tin liên hệ:
Hotline: 0908 823 850
Fanpage: Công ty Luật TNHH Nhung & Cộng sự
Email: luatsuthachhuynhnhung@gmail.com
Chúng tôi cam kết bảo mật toàn bộ thông tin mà bạn đã cung cấp để đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng./.