Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Tài sản trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Thông thường, tài sản chung của vợ chồng được chia khi vợ chồng chấm dứt quan hệ hôn nhân, tuy nhiên, pháp luật còn cho phép chia chia tài sản chung ngay khi vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân. Bài viết dưới đây của Nhung và Cộng sự sẽ cung cấp cho Quý khách hàng thông tin về vấn đề chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định pháp luật.

     

    1. Tài sản chung của vợ chồng là gì?

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. 

    2. Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

    Vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, miễn là thỏa thuận đó không trái quy định pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải được lập thành văn bản; văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định pháp luật. 

    Tuy nhiên, không phải mọi thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng đều được pháp luật công nhận. Theo quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nếu thỏa thuận chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì vô hiệu:

    - Thỏa thuận làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. 

    - Thỏa thuận nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ: nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.

    Trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó, Tòa án chia tài sản theo nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cụ thể là Tòa án sẽ chia đôi tài sản chung và tính đến các yếu tố như: Hoàn cảnh của gia đình của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

    3. Hiệu lực của thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân 

    Sau khi chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được chia là tài sản riêng của vợ, chồng và họ có chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với phần tài sản riêng đó. Tại Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 xác định thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định như sau:

    - Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi vào trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.

    - Trường hợp tài sản được chia mà theo quy định pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc phân chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

    - Trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực.

     

    Trên đây là bài viết tư vấn của Công ty Luật TNHH Nhung & Cộng sự về các vấn đề pháp lý liên quan đến chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Nếu còn bất cứ băn khoăn hay thắc mắc nào khác liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn về vấn đề của bạn.

    Thông tin liên hệ:

    Hotline: 0908 823 850

    Fanpage: Công ty Luật TNHH Nhung & Cộng sự

    Email: luatsuthachhuynhnhung@gmail.com

    Chúng tôi cam kết bảo mật toàn bộ thông tin mà bạn đã cung cấp để đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng./.

     

    Bài viết khác
    Viber
    Zalo
    Hotline