-
Khái niệm về đăng bộ, sang tên nhà đất
Thủ tục đăng ký biến động đất đai (cách gọi phổ biến của người dân là “đăng bộ, sang tên nhà đất”) là thủ tục đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền với đất khi đã được cấp Giấy chứng nhận và thường được sử dụng khi có sự thay đổi về người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Thủ tục đăng ký biến động đất đai được áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau theo quy định pháp luật, để chính xác hơn, trong bài viết này sẽ tập trung đối với trường hợp thường xuyên được sử dụng là đăng bộ, sang tên nhà đất sau khi chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thừa kế quyền gắn với đất, nhà ở và tài sản gắn liền trên đất. Việc đăng ký này sẽ bao gồm đăng ký quyền sử dụng với quyền sử dụng đất và đăng ký quyền sở hữu đối với nhà ở và tài sản gắn liền trên đất này.
Đất là tài sản công đặc biệt, người dân không có quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng đất được Nhà nước cấp. Vì đất là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước có quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý quyền sử dụng đất. Theo đó, đối với người được giao đất để quản lý, có quyền sử dụng đất bắt buộc phải thực hiện việc đăng ký đất đai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.
Khác với đất đai, việc đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không phải là bắt buộc đối với chủ sở hữu. Tuy nhiên, để đảm bảo tình trạng pháp lý được rõ ràng, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nên thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu. Đối với đất không có nhà ở và tài sản gắn liền trên đất thì người có quyền chỉ cần thực hiện thủ tục đăng bộ, sang tên trên Giấy chứng nhận đối với đất.
Người có quyền được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thông thường, sau khi thực hiện việc đăng ký biến động đất đai, người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất mới sẽ được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp trước đó hoặc cấp Giấy chứng nhận mới. Giấy chứng nhận cũ sẽ được Nhà nước thu hồi trong trường hợp cấp mới Giấy chứng nhận.
-
Thủ tục đăng bộ, sang tên nhà đất
Thủ tục đăng ký biến động đất đai là thủ tục được thực hiện với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi người nhận chuyển nhượng đã hoàn tất việc chuyển nhượng với người chuyển nhượng, ví dụ như hoàn tất việc ký kết, công chứng hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Thời hạn để người có quyền phải thực hiện việc đăng ký biến động là không quá 30 ngày kể từ ngày có biến động, từ ngày phân chia xong di sản là quyền sử dụng đất,

2.1 Hồ sơ đăng ký
Hồ sơ đăng ký biến động đất đai gồm có những tài liệu sau:
-
Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
-
Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Hợp đồng đã được công chứng theo quy định pháp luật).
-
Đối với trường hợp nhận thừa kế, Văn bản khai nhận di sản hoặc Văn bản thỏa thuận phân chia di sản (có công chứng)
Nếu chỉ có duy nhất một người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
-
Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
-
Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng;
-
Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.
-
Bản sao y giấy tờ tùy thân của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng, ví dụ: CMND, CCCD, Sổ hộ khẩu,…
-
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng độc thân;
-
Văn bản ủy quyền có công chứng nếu ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai; CMND hoặc CCCD của người được ủy quyền.
-
Đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người chuyển nhượng cần nộp thêm giấy tờ sau:
-
Bản sao Giấy chứng minh nhân dân mới hoặc Giấy chứng minh quân đội mới hoặc thẻ Căn cước công dân mới hoặc sổ hộ khẩu, giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân đối với trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân của người có tên trên Giấy chứng nhận;
-
Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc công nhận việc thay đổi thông tin pháp nhân đối với trường hợp thay đổi thông tin về pháp nhân của tổ chức đã ghi trên Giấy chứng nhận.
-
Văn bản khác tùy theo yêu cầu của địa phương.
2.2 Nộp hồ sơ đăng ký
-
Hồ sơ thực hiện đăng ký biến động đất đai sẽ được nộp tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cụ thể:
-
Nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thuộc địa bàn cấp tỉnh. Việc lựa chọn địa điểm nộp này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
-
Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì người có quyền nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Còn trường hợp đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận.
-
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.
-
Nhận kết quả giải quyết hồ sơ
Thời gian để Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận khi chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày và không quá 20 ngày đối với xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn trong thời gian không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ.
Khi chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thừa kế quyền gắn với đất, nhà ở và tài sản gắn liền trên đất, người nhận chuyển nhượng, bên cạnh việc thực hiện hồ sơ thủ tục khai thuế, các bên chuyển nhượng cần lưu ý việc thực hiện thủ tục đăng ký đăng bộ, sang tên nhà đất (đăng ký biến động đất đai) đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất của mình.
Để hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về thủ tục đăng bộ, sang tên nhà đất, quý khách hàng hãy liên hệ chúng tôi để được đội ngũ luật sư uy tín và đầy kinh nghiệm tư vấn và đưa ra các giải pháp phù hợp nhất đối với mong muốn của quý khách hàng.
· Hotline/ Zalo: 0906040745
· Fanpage: Công ty Luật TNHH Nhung & Cộng sự
· Email: luatsuthachhuynhnhung@gmail.com
Chúng tôi cam kết bảo mật toàn bộ thông tin mà bạn đã cung cấp để đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng.