1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì?
Theo quy định Luật đất đai 2013 định nghĩa Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền với đất là một chứng thư pháp lý để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là hợp pháp.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
2. Các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Căn cứ khoản 1 điều 99 Luật đất đai 2013, Nhà nước thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận khi các cá nhân, hộ gia đình thuộc các trường hợp sau đây:
2.1. Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận:
Cá nhân, hộ gia đình thuộc trường hợp được quy định tại Điều 100, 101, 102 Luật đất đai có quyền yêu cầu nhà nước cấp Giấy chứng nhận, cụ thể:
- Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
- Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất
2.2. Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất:
Các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất từ sau ngày 01/7/2017, trừ các trường hợp sau đây:
- Đất được Nhà giao đất cho cộng đồng dân cư, tổ chức để quản lý;
- Người đang sử dụng đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
2.3. Người nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho,…
Trên cơ sở quy định của pháp luật, chúng tôi xin nêu một số trường hợp tiêu biểu như sau:
- Chuyển đổi quyền sử dụng đất: Hộ gia đình, cá nhân chỉ được quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất khi chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác. Đất sau khi được chuyển đổi không thay đổi mục đích sử dụng (vẫn là đất nông nghiệp).
- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất (còn gọi là “mua bán đất”): Giao dịch mua bán phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
- Thừa kế: Người được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trường hợp di sản thừa kế đủ điều kiện để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận, sẽ thực hiện thủ tục theo quy định.
- Tặng cho quyền sử dụng đất: Người nhận tặng cho phải thực hiện sang tên theo quy định.
2.4. Người được sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án; quyết định quả hòa giải thành
2.5. Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất
2.6. Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp
2.7. Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất
2.8. Người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
2.9. Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa
2.10. Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất
2.11. Các trường hợp khác: Theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ghi nhận bổ sung người sử dụng đất có vi phạm hoặc có vướng mắc được cấp Sổ đỏ trong 05 trường hợp sau:
- Sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước 01/7/2014.
- Đất được giao không đúng thẩm quyền.
- Cấp Sổ đỏ với diện tích đất tăng thêm so với giấy tờ về quyền sử dụng đất.
- Cấp Sổ đỏ cho đất có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau.
- Cấp Sổ đỏ với thửa đất đã đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.

3. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận lần đầu:
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;
- Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
- Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);
- Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01/07/2004 theo Mẫu số 08a/ĐK và 08b/ĐK;
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
- Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.
Khi người nộp hồ sơ nộp đề nghị cấp Giấy chứng nhận được lựa chọn nộp bản sao hoặc bản chính giấy tờ, cụ thể:
- Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
- Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao.
- Nộp bản chính giấy tờ.
4. Thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận:
Bước 1: Nộp hồ sơ:
Căn cứ Điều 60 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, nơi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được quy định như sau:
Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu (xã, phường, thị trấn nơi có đất)
Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã
- Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh (bộ phận một cửa).
- Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa nộp lệ phí thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ.
- Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
Sau khi nhận được thông báo nộp tiền của cơ quan thuế, người nộp hồ sơ nộp theo đúng số tiền, thời hạn như thông báo và lưu giữ chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính để xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận. Các nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện gồm: tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận…
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do.
Bước 4: Trao kết quả
- Sau khi UBND cấp huyện quyết định cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ cập nhật thông tin vào Sổ địa chính và trao Giấy chứng nhận cho người được cấp đã nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi Giấy chứng nhận cho UBND cấp xã để trao cho người được cấp đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã. Thời hạn giải quyết không quá 03 ngày kể từ ngày hoàn thành xong các thủ tục.
- Người được cấp Giấy chứng nhận nhận lại bản chính giấy tờ đã được xác nhận cấp Giấy chứng nhận và Giấy chứng nhận. Người sử dụng đất chỉ đề nghị đăng ký quyền sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn cấp Giấy chứng nhận nhưng tại trang 2 chỉ ghi thông tin về thửa đất.
Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Kết luận: Trên đây là các hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, khi cá nhân, hộ gia đình đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nộp tại cơ quan thẩm quyền và nộp tiền theo thông báo và nhận Giấy chứng nhận.
Để hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quý khách hàng hãy liên hệ chúng tôi để được đội ngũ luật sư uy tín và đầy kinh nghiệm tư vấn và đưa ra các giải pháp phù hợp nhất đối với mong muốn của quý khách hàng.
· /Hotline/ Zalo: 0906040745
· Fanpage: Công ty Luật TNHH Nhung & Cộng sự
· Email: luatsuthachhuynhnhung@gmail.com
Chúng tôi cam kết bảo mật toàn bộ thông tin mà bạn đã cung cấp để đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng.