Thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (hiện nay là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) là giấy tờ quan trọng để thể hiện quyền sở hữu hợp pháp của hộ gia đình/cá nhân. Vậy “Thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” theo quy định pháp luật hiện hành hiện nay như thế nào? Công ty Luật TNHH Nhung và Cộng sự sẽ cung cấp cho các bạn thông qua bài viết này.

     

    1. Đối tượng và điều kiện được cấp quyền sở hữu nhà ở: 

    a. Đối tượng được cấp quyền sở hữu nhà ở: Theo quy định Luật Nhà ở 2014, các đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: 

    - Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; 

    - Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điều 159 của Luật Nhà ở. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định của pháp luật.

    Để chứng minh tổ chức/hộ gia đình/cá nhân thuộc đối tượng được cấp quyền sở hữu nhà ở (theo Điều 5, Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở):

    - Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì phải có giấy tờ xác định nhân thân đối tượng theo quy định về cấp Giấy chứng nhận của pháp luật đất đai. Ví dụ: Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân,…

    - Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có giấy tờ theo quy định sau đây:

    + Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;

    + Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

    - Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có giấy tờ chứng minh đối tượng

    + Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định pháp luật về ngoại giao.

    + Đối với tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng quy định tại Điều 159 của Luật Nhà ở và có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).

    Trường hợp cá nhân nước ngoài có giấy tờ xác nhận là gốc Việt Nam thì chỉ được quyền lựa chọn một đối tượng áp dụng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài để xác định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

    b. Điều kiện cấp quyền sở hữu nhà ở (Điều 31 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 14 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về chứng nhận quyển sở hữu nhà ở): Để có nhà ở hợp pháp, các đối tượng trên phải thông qua các hình thức sau đây:

    - Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng (Giấy phép xây dựng còn thời hạn), mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

    - Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

    - Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật Nhà ở.

    Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) do Bộ Tài Nguyên và Môi trường cấp cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    2. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận lần đầu: 

    Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung  theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:

    - Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04a/ĐK;

    - Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.  Phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);

    - Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01/07/2004 theo Mẫu số 08a/ĐK và 08b/ĐK;

    - Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);

    Khi người nộp hồ sơ nộp đề nghị cấp Giấy chứng nhận được lựa chọn nộp bản sao hoặc bản chính giấy tờ, cụ thể:

    - Nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

    - Nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu và xác nhận vào bản sao.

    - Nộp bản chính giấy tờ.

    Mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

    3. Thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận: 

    Bước 1: Nộp hồ sơ: 

    Căn cứ Nghị định 148/2020/NĐ-CP, nơi nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được quy định như sau: 

    Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu (xã, phường, thị trấn nơi có đất)

    Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã

    - Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của UBND cấp tỉnh (bộ phận một cửa).

    - Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.

    Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

    - Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa nộp lệ phí thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ sẽ thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. 

    - Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.

    Bước 3: Giải quyết hồ sơ

    Sau khi nhận được thông báo nộp tiền của cơ quan thuế, người nộp hồ sơ nộp theo đúng số tiền, thời hạn như thông báo và lưu giữ chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính để xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận. Các nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện gồm: tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp Giấy chứng nhận…

    Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do. 

    Bước 4: Trao kết quả

    - Sau khi UBND cấp huyện quyết định cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ cập nhật thông tin vào Sổ địa chính và trao Giấy chứng nhận cho người được cấp đã nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi Giấy chứng nhận cho UBND cấp xã để trao cho người được cấp đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã. Thời hạn giải quyết không quá 03 ngày kể từ ngày hoàn thành xong các thủ tục.

    - Người được cấp Giấy chứng nhận nhận lại bản chính giấy tờ đã được xác nhận cấp Giấy chứng nhận và Giấy chứng nhận.

    Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017).

    Như vậy, khi tổ chức/hộ gia đình/cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện được quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật hiện hành được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục cấp phép. Quyền sở hữu nhà ở nêu trên được ghi nhận tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận rõ tại Trang 2 của Giấy chứng nhận.

    Để hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, quý khách hàng hãy liên hệ chúng tôi để được đội ngũ luật sư uy tín và đầy kinh nghiệm tư vấn và đưa ra các giải pháp phù hợp nhất đối với mong muốn của quý khách hàng.

    ·       /Hotline/ Zalo: 0906040745

    ·       Fanpage: Công ty Luật TNHH Nhung & Cộng sự

    ·       Email: luatsuthachhuynhnhung@gmail.com

    Chúng tôi cam kết bảo mật toàn bộ thông tin mà bạn đã cung cấp để đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng.

     

     

    Bài viết khác
    Viber
    Zalo
    Hotline